Con chẫu chàng

Chuyện kể: Sự tích con chẫu chàng (Dân tộc Thái)

Xưa có một gia đình không biết cách làm ăn nên suốt đời túng thiếu. Mặt khác, không biết cách dạy con, thường để chúng chơi bời lêu lổng nên khi hai vợ chồng chết đi để lại cho hai đứa con trai một gia tài rỗng tuếch, chỉ có một con dao cùn để sống. Thằng em còn nhỏ chưa biết gì đã đành, thằng anh đã vào tuổi thanh niên nhưng thích lêu lổng hơn thích làm, lại thêm tính tham lam, ích kỷ.

Bố mẹ chết đi, thóc chỉ vừa đủ ăn vài ngày. Người anh nói với em:

- Ta phải đi khỏi làng nghèo khó này, tìm đến xứ nào giàu có hơn, may ra anh em ta sống được.

Thế là một con dao cùn duy nhất người anh giắt lấy vào lưng và xăm xăm đi trước, mặc cho em lầm lủi chạy theo sau.

Vừa đi người anh vừa nghĩ. “Bố mẹ chỉ để lại cho ta một con dao cùn, mà bắt ta phải nuôi cả một đứa em!”. Điều đó làm anh ta hậm hực hơn là tình máu mủ ruột thịt. Thỉnh thoảng anh ta quay lại gắt đứa em tội nghiệp. Đến bữa anh ta véo cho em một nắm xôi bằng quả trứng bảo em vừa ăn vừa đi cho chóng đến xứ giàu có.

Họ đã đi nhiều ngày, lương thực mang theo đã cạn. Người anh càng trở nên bẳn gắt. Người em mệt nhoài không muốn bước nữa, nên lại càng bị người anh mắng chửi.

Đến một đoạn đường hai anh em gặp một vặt ngáng đường: một cây gỗ, cây gỗ có phép lạ. Muốn trèo qua, nó nâng cao lên, thấy thế định chui nó lại hạ thấp xuống, muốn tránh hai bên nó lại dài ra vô tận.

Thấy thế, người anh thầm nghĩ. “Cái cây này chắc là vật ngăn cách giữa thế giới nghèo khổ với xứ giàu có đây. Bên kia ắt là thế giới đầy sung sướng”. Nghĩ thế, hắn nóng lòng muốn vượt nhanh sang bên kia. Nhưng chẳng thể nào sang được. Người anh nghĩ rằng có lẽ do đứa em ngờ nghệch nên vướng chân mình trên đường đi tìm cuộc sống sung sướng. Hắn bèn nghĩ ra một kế. Lừa cho em chui qua cây gỗ, chắc chắn cây gỗ sẽ ẹp xuống, lúc ấy mình lấy đà nhảy qua chắc sẽ vượt được cây gỗ đến xứ giàu có kia. Khi đã thật giàu sang, ta hẵng quay lại đón em về nuôi, cũng chưa muộn”. Nó lại nghĩ. “à mà để nó lại, chưa chắc nó chịu ở đây, có chân chắc nó sẽ đi, lúc ấy biết đằng nào mà tìm. Chi bằng chém què chân để nó không còn đi xa nơi này, sau này đỡ mất công đi tìm”.

Nghĩ vậy nó lừa em:

- Bây giờ anh em ta phải có mẹo mới qua được cây gỗ tai quái này mà sang với thế giới giàu sang bên kia. Anh bảo thế này này: em giả vờ chui qua cây để nó hạ thấp xuống, anh nhảy qua, sau đó, anh sẽ trèo sang lại, lúc ấy chắc cây nâng lên cản anh, em vội chui sang.

Nghĩ vậy nhưng trong bụng người anh khó tin lừa được cây hai lần. Đằng nào cũng không thể sang được cả hai anh em, nên người anh quyết chí thực hiện âm mưu của nó.

Chờ lúc em nó đang quỳ gối định chui qua và khi cây gỗ đã hạ dần xuống, người anh rút dao chém vào kheo chân em là đứt dây gân và lập tức hắn nhảy vọt sang. Nó đã đánh lừa được cả cây thần lẫn em nó, bây giờ đằng nào em nó cũng chẳng thể đi được nữa dù có cánh cho nó vượt được cây gỗ. Nghĩ vậy, nó một mình đi thẳng.

Người anh đi mãi, đi mãi mới tới được một bản mường tơ rộng, đông đúc ngựa xe, người qua lại như đường nối dây. Hắn chắc mẩm: đã đến xứ ta mong muốn rồi đây. Vừa vặn cũng hết cái ăn và do phải nhịn đói mấy ngày, người anh hăm hở vào mường. Trước mắt có bao nhiêu người đang ngồi ăn uống rộn rịp, toàn những thức ăn ngon, lạ và có cả rượu thơm lừng nức mũi. Người anh mò đến. Nhưng đám người ngồi ăn không một lời mời chào. Ăn xong, thấy họ trả tiền rồi đi. Vừa lúc ấy, có người để ý đến hắn rồi hỏi hắn:

- Anh định dùng thứ gì? Sao chẳng thấy gọi? Ở đây có đủ loại chiều khách. Nếu không dùng gì thì mời anh đi chỗ khác cho chúng tôi bán hàng.

“À hóa ra ở đây ăn phải trả tiền, mình cứ tưởng họ đang ăn cỗ cưới gì đó, chắc mẩm được xơi một bữa no nê!”. Nó nghĩ thế, thấy xấu hổ vì chẳng có đồng tiền nào mà trả. Nhưng khốn nỗi đói quá rồi, xấu hổ cũng chẳng được, nên nó nài xin:

- Thưa ông, tôi chẳng có tiền, nhưng tôi đã nhịn đói mấy ngày rồi, mong ông thương cho xin thức gì ăn tạm.

Chủ hàng nói:

- Trông anh khỏe mạnh thế kia mà đi ăn mày!

Nói rồi ông ta sai lấy cho hắn một bát cơm thừa bảo nó ăn rồi đi cho nhanh.

Ăn xong, thấy chẳng ai muốn nói chuyện với mình nữa nên hắn đi tiếp. Trên đường tấp nập, người gánh, người đội, người còng lưng kéo xe nặng nề, ăn mặc rách rưới. Cũng có người ăn mặc sang trọng, lượn đi thong thả hoặc ngồi ngựa, ngồi xe xúng xính. Hắn còn thấy một chỗ rất đông người, cái gì cũng đầy ắp thịt cá, gạo, ngô, quần áo, vải vóc, nhưng chẳng ai cho không hắn dù một ngụm nước lã. Hắn nghỉ. “Ở đây lắm của thế, mà cũng nhiều người nghèo rách rưới lại phải còng lưng, mưa nắng... vất vả chẳng kém ở quê mình, chỉ khác họ làm nhiều việc khác nhau”. Làm ruộng, làm nương ở làng hắn đã biết, vì thấy việc đó khó nhọc lắm hắn mới bỏ đi.

Cái lạ đập vào mắt hắn đầu tiên là việc xây nhà. Khác hẳn ở làng, ở đây người ta xây nhà không phải bằng gỗ, tre, mà bằng đất đá. Hắn mò đến xem, lạ mắt thật nhưng cũng vất vả lắm. Ngắm mãi đến trưa, thấy người ta nghỉ và bày cơm gói ra ăn tại chỗ. Hắn cũng đã đói rồi, thèm ăn mà chẳng ai mời.

Hắn lại phải xin ăn.

Mọi người lấy làm lạ, hỏi hắn:

- Anh khỏe thế không biết đi làm thuê làm mướn ăn, mà phải đi xin ăn ở bọn cực khổ như chúng tôi sao? Hay anh chưa tìm được việc làm? Cùng làm với bọn tôi đi, còn khối việc cho anh làm và chắc anh cũng tạm có bữa ăn đấy.

Được xẻ vài lưng cơm, hắn ngồi ăn chẳng nói, chẳng rằng. Ăn xong, thừa lúc họ nghỉ ngơi, hắn lại chuồn thẳng. Hắn lại tiếp tục cuộc hành khất, lang thang đây đó. Hàng ngày ngủ lúc hiên nhà người, lúc xó chợ, ngày thì lần mò đến xem, lúc thì chỗ cưa xẻ, đóng các thứ đồ dùng lạ mắt, lúc chỗ xay giã, làm bánh, lúc trên bến tấp nập bao nhiêu hàng hóa lên xuống giữa bến và thuyền, xe chở đủ loại… chỗ nào thoạt đầu hắn cũng được tạm bữa lưng bụng và được rủ làm việc... Nhưng hắn đều thấy công việc rất nặng nhọc, suốt ngày chẳng được nghỉ ngơi, hắn lại đi. Đi hết lượt, khi phải trở lại chỗ đã từng đến, hắn được người ta bảo:

- Anh muốn ăn mày thế thì đến chợ mà ăn mày!

Đến chợ người ta lại bảo nó:

- Anh sức lực như thế chẳng lẽ hàng ngày chẳng kiếm nổi gánh củi đổi lấy bát gạo mà ăn!

Hắn nghĩ, chỉ còn cách đó thôi, xin ăn mãi chẳng ai cho đến lần thứ hai. Hắn đành giắt con dao cùn vào rừng hái củi, may sao cũng tạm qua được mấy ngày.

Hắn chọn một gốc cây to ven rừng, có hốc lớn có thể tránh được mưa nắng rét buốt làm chỗ ở. Mỗi ngày một gánh củi ra chợ, đủ hai bữa lại trở về hốc cây nằm ngủ. Lúc đầu hắn thấy “thế này dễ chịu hơn, tự do hơn, muốn ngủ bao nhiêu cũng được, mỗi ngày gánh củi thì chẳng mất bao nhiêu sức lắm”.

Nhưng mãi về sau, tĩnh tâm nghĩ lại: “Mình thật ngu dại, nếu chỉ để hàng ngày hái củi thì mình tội gì mà phải đến đây. Cũng phải nai lưng mới có cái ăn, thà rằng ở bản mà chịu khó phát nương cũng đủ sống mặc dù không thật sung sướng lắm! Hắn bắt đầu tiếc, và đột nhiên, hắn nhớ đến em. “Giá hai anh em ở nhà gắng mà làm nương như mọi người trong bản, thì chẳng đến nỗi phải xa lìa nhau mà vẫn cực thân thế này!”. Hắn bắt đầu than thân trách phận, oán trách thân mình, hối hận đã chém em và bỏ em một mình què đau. Giá còn anh còn em chung sức chắc chẳng đến nỗi cực nhục như thế này! Hắn ân hận thổn thức khóc. Hắn cầu mong trời đất, thần linh tha thứ lỗi lầm của hắn và nương nhẹ mở đường sống cho hắn. Hắn hỏi thần linh rằng, sao có người sống sung sướng thế, mà số mệnh hắn thế nào mà cực nhục làm vậy?

Sự hối hận, than khóc của anh ta làm cảm lòng thương của người con gái vua Thủy Tề đang đi đến bên gốc cây này. Bỗng anh chàng cảm thấy ngủ mê. Bừng mắt tỉnh dậy, anh ta thấy mình đang sống trong một lâu đài bằng thủy tinh lộng lẫy mà anh ta chưa bao giờ nghĩ tới. Một cô gái kiều diễm, xinh đẹp tuyệt trần chưa từng thấy trong óc tưởng tượng của anh đã đến với anh ta và nói:

- Nơi đây là chốn thủy cung, em là công chúa duy nhất của vua Thủy Tề, cảm thấy lòng hối hận chân thành của chàng, em quyết làm vợ chàng, để giúp chàng đạt được lòng mong ước phú quý, giàu sang. Ở trên trần gian chàng đã hằng cực khổ quá rồi, ở đây, tại chốn thủy cung này, chàng chẳng có việc gì phải làm cả, tất cả đều thế. Cứ việc nhởn nhơ rong chơi khắp chốn, cái ăn tự đến, không thiếu thứ gì.

Lại có em luôn bên cạnh, chắc chàng phải sung sướng thoả ước vọng của mình bấy lâu nay.

Đó là cuộc sống hết sức lý trưởng, toại nguyện đối với một kẻ lười biếng mà lại ham muốn giàu sang, phú quý. Chẳng bao lâu anh đã có một đứa con trai cùng công chúa Thủy Tề.

Bỗng nhiên có lệnh của thiên đình mời các vua Thủy Tề, vua mặt đất mọi phương đến dự yến tiệc chúc thọ vua Then - vua của tất cả các vua trong ba thế giới: Trời, Đất, Nước. Dạo đó, vua Thủy Tề ốm mệt, nên cử phò mã là anh chàng lười đi thay. Lúc đầu anh ta ngần ngừ không muốn xa vợ con, không muốn vất vả dọc đường. Nhưng sau biết thiên đình là thế giới kỳ lạ, ít người có dịp được thấy, chốn đó còn giàu sang phú quý, huy hoàng gấp bội so với thủy cung chật hẹp, lúc nào cũng cảm thấy như bị nhốt trong lồng thủy tinh này, thế là anh chàng vui vẻ nhận lời.

Đã thấy anh ta thật sự hối hận mà thương, nhưng cũng chưa dám tin anh ta hoàn toàn hối cải, nên trước lúc chia tay, công chúa dặn chồng:

- Trên thiên giới sẽ thấy nhiều điều kỳ thú hơn thủy cung gấp bội, nhưng mong chàng đừng quên nơi đã cứu chàng thoát khỏi nỗi cực nhọc ở mặt đất. Trên thiên cũng có hằng hà sa số những nàng tiên tuyệt đẹp những mong chàng đừng sớm quên người vợ đã đồng cảm với hoàn cảnh cực nhọc của chàng. Chớ quên một hòn máu chung của chúng ta, đứa con trai xinh đẹp của chúng ta đấy.

Vừa nói xong, một con rồng xanh đã cõng anh chàng bay vụt lên thiên đường. Trước mắt anh chàng là những danh lam thắng cảnh kỳ thú cảnh tấp nập rộn rịp của ngày đại lễ và biết bao là nàng tiên xinh đẹp. Anh chàng từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, hấp dẫn đến mê mẩn tâm hồn. Hình ảnh vợ con và thủy cung đã bay biến từ lâu.

Cuối cùng hắn mê mẩn chạy theo các cô tiên và một cô tiên đã sớm kết hôn với anh chàng si tình này. Hắn đã nhanh chóng hằng ngày cùng vợ tiên ngồi xe du ngoạn khắp nơi, sóng đôi cùng vợ tiên, thăm các vườn tiên, thưởng thức các hoa trái lạ của nhà trời cho phép. Hắn không sao biết có thời gian.

Nhưng ở thủy cung, công chúa Thủy Tề thì đếm từng khắc một. Đằng đẵng ba năm trời chẳng thấy chồng quay về, nàng hiểu ngay những điều phòng ngừa trước của mình đã đúng sự thật và không còn cách cứu chữa nữa, chỉ còn cách bế con lên trời để thức tỉnh tình nghĩa vợ chồng và cha con trong chàng mà thôi.

Nàng bế con đi và dễ dàng đến được đất Then. Một hôm, vào lúc anh chàng sóng đôi vợ tiên trời dạo ngắm vườn đào, mẹ con công chúa Thủy Tề chạy đến đón đường anh ta. Thế rồi diển ra cuộc chạm trán giữa nàng tiên trời, nàng công chúa Thủy Tề và anh chàng phụ bạc có lòng ham muốn vô đáy kia. Cuối cùng anh ta chỉ có cách vô liêm sỉ là chối từ mọi kỷ niệm và những lời khuyên ân tình sâu nặng của vợ.

Nhận thấy tư cách quá tồi tệ của anh chàng, nàng tiên khinh bỉ bỏ đi. Còn hai vợ chồng giằng co mãi. Công chúa Thủy Tề nói:

Chẳng nhận vợ cũng được, nhưng hãy nhận lấy con!

Nhưng anh chàng cũng từ chối nốt. Người vợ nói:

Nếu sợ phải nuôi con vất vả mà không nhận lấy con, thì ít ra hãy cầm lấy tay con, cho nó được chút hơi tay bố, bõ công tìm chốn thủy cung đến tận thiên giới tìm cha!

Anh chàng vẫn một mực từ chối.

Người gác cổng nhà trời thấy vậy nói:

- Thời gian gặp nhau đã hết, sao hai người ngoại giới này vẫn còn ở đây Ra ngay!

Nói rồi người gác cổng Then đẩy ba vợ chồng, cha con ra khỏi cổng và đóng sầm cửa lại. Ra ngoài rồi chàng ta vẫn chưa tỉnh ngộ, vẫn đuổi mẹ con nguây nguẩy không chịu nhận. Người vợ kéo chồng ra đến một gốc cây to, cạnh đó có một hồ xanh thăm thẳm. Người vợ cố ý, muốn gợi cái gốc cây trong đó với cây dao cùn để nhắc nhở anh chàng nhớ lại thuở hàn vi của anh ta. Nhưng hắn cố ý không chịu nhớ ra mà vẫn khăng khăng đòi quay về nhà trời.

Không còn cách nào nữa, người vợ thu lại mọi phép bùa, hóa anh chàng trở lại nguyên hình trong bộ áo rách với con dao cùn giắt lưng đang ngồi rũ bên gốc cây ngày nào. Rồi nàng bế con từ từ bước xuống hồ nước bên cạnh, phần thân dưới đã biến thành đuôi thuồng luồng quẫy quẫy tung sóng cuộn đập vào bờ, xô đến gốc cây hắn ngồi. Hắn giật bắn mình thấy mẹ con thuồng luồng vẫy nước như muốn lôi hắn xuống hồ. Sợ quá hắn vội trèo lên cây, nhưng run quá lại trượt tụt xuống kêu “phạt phạt” dọc thân cây. Tới đất, sóng nước lại vỗ đến, hắn lại trèo rồi tụt xuống, lại trèo. Cứ như thế không biết bao nhiêu lần “plạt plạt” (trượt trượt) lặp đi lặp lại. Dần dần anh chàng gầy tóp đi, biến hình thành thân con nhái với cẳng chân cẳng tay dài ngoằng và luôn mồm kêu “phạt phạt, phạt phạt”...

Lại nói chuyện người em. Đau đớn bất ngờ trước sự tàn ác của người anh, cái kheo chân đứt gân chảy máu đầm đìa, cộng với sự thấm mệt trên mấy ngày đường luôn chạy theo anh, người em ngất làm. Tỉnh dậy, cơn đau, cơn đói ập đến. Ngoái lại bên phải anh ta nhìn thấy một cái cây vừa tầm với, toàn thân chỉ có một chiếc lá to bằng bàn tay, như một hy vọng cuối cùng, tự nhiên với tay ngắt chiếc lá đó. Ngắt được anh ta đưa lên miệng nhá cho đỡ khát. Lạ thay, anh thấy tỉnh người, hết đói, hết mệt và chỉ cảm thấy đau nhói ở chân. Một lúc hết đau, gân như nối liền lại, vết sẹo tự nhiên lành lặn.

Còn một ít lá trong tay, anh nói thầm: “Đây là lá quý đấy: “năm da lọk” nước thuốc thần cứu người chết sống lại. Anh liền cất kỹ vào túi, lấy gai rong cài lại.

Tự dưng anh thấy người lớn lên hẳn, trở thành chàng trai thực thụ Anh muốn đi tiếp. Cái cây kỳ lạ kia không còn cản bước anh nữa mà xoay đi một quãng sang phía tay phải, mở ra một lối chếch về tay trái cho anh đi.

Chàng trai nghĩ. “Mình sẽ chẳng đi theo đường người anh đã đi. Đó là đường ác. Cái cây này hẳn có ý ngăn ta đi theo đường ác đó!”.

Anh hăm hở đi theo đường của mình. Bắt gặp một ngọn suối chảy xuống núi về mãi phía xa, anh lần theo. Đi một quãng xa, anh gặp một con chó nằm chết dưới một gốc cây to, phần mông chó bị cắn xé nham nhở trơ xương, nhưng phần đầu gần như nguyên vẹn. Chàng trai thương hại, ngó đến lá đã cứu mình, anh lôi ra thử nhá một miếng phun vào con chó. Con chó vọt đứng dậy nguyên vẹn, con chó vẫy đuôi vui mừng quấn quít lấy anh. Từ đó anh có con chó làm bạn đường. Đi mãi một quãng xa nữa, anh lại gặp một con gà. Hình như bị cáo bắt đến đây, toàn thân gà đã bị róc hết thịt chỉ còn nắm xương và lông. Anh nhá một miếng lá khác phun vào nắm lông và xương gà. Một con gà sống đẹp vỗ cánh gáy vang rồi bay lên đậu trên vai anh. Anh cùng chó, gà đi tiếp. Tới một bản nhỏ, thấy tiêu điều vắng vẻ, khi đến gần anh nghe tiếng người rên trên nhà. Anh bước lên nhà, thấy cả nhà nằm ngổn ngang chờ chết, lác đác có vài người chết.

Tất cả các nhà đều có hiện tượng ấy. Bản này bị dịch tả hoành hành, tất cả đều ốm nên chẳng ai chôn cất người chết nữa.

Để cứu dân bản, anh lấy chiếc lá cắn một miếng, nhá nhá rồi nhổ ra cái bát to, hòa thêm nước cho người còn sống uống. Mọi người khỏi bệnh. Anh lại hòa miếng khác, rẩy lên những người đã chết, họ sống cả lại. Dân bản xem anh như vị cứu anh và dành cho anh những lời ca tụng đẹp nhất. Họ còn muốn để anh làm. Tạo bản và tìm vợ cho anh. Nhưng một cụ già nhất bản thấy anh là một trang tuấn tú khác thường nên nói với anh và cả bản:

- Bản ta cảm ơn anh đã cứu sống. Ân nghĩa ấy, biết lấy gì đền đáp cho được! Ta quý mến muôn vàn con người này. Nhưng bản ta nhỏ, mà chàng đây là một trang tuấn kiệt. Chàng phải làm chủ cả một mường to lớn mới xứng. Chàng còn phải cứu vớt tất cả thiên hạ khỏi bệnh tật và đói nghèo! Phải xa chàng chúng ta buồn nhớ nhưng để chàng giúp ích được cả toàn thiên hạ, thì hẳn chúng ta đều vui lòng.

Thế là cả bản chia tay lưu luyến với chàng. Họ tiễn chàng ra đi. Chàng đi qua nhiều sông suối và một hôm đến chỗ cửa sông tạo nên một hồ rộng mênh mông. Trên bờ là một thành phố to lớn, rầm rập ngựa xe. Nhưng người nào cũng có bộ mặt người đưa đám. Khắp chốn người ta xả thịt trâu, bò nấu nướng tất bật. Chẳng ai nói với nhau. Lấy làm lạ, chàng hỏi những người đang bận rộn kia:

- Chẳng may mường ta có việc gì mà thịt lắm trâu bò làm vậy. Đã lắm thịt nhiều xôi mà ai nấy lại rầu rĩ thế. Họ ngạc nhiên hỏi lại anh:

- Chẳng lẽ anh lại không biết sao? Một ngày tang tóc của cả mường ta đây. Cô con gái duy nhất và muôn vàn xinh đẹp, là hy vọng của nhà Tạo và cả mường ta đã chết mấy ngày nay. Hôm nay là ngày đưa đám đấy!

Mọi người như muốn bật khóc thì người ấy nói hết. Chàng nghĩ, cái chết của người con gái này làm cả mường buồn đau, chắc hẳn đây là người tốt, ta nên chữa giúp. Không biết cái lá của ta, lần này còn nghiệm không? Chàng rẽ đám đông đến chỗ nhà Tạo. Vừa lúc, người ta khiêng thi hài “công chúa” xuống nhà để mang đi chôn.

Anh mạnh dạn đón đường đám đưa tang và nói to:

- Thưa nhà Tạo, thưa tất cả mọi người. Thấy đám tang đau thương này, tôi không thể nào ngồi yên được! Xin nhà Tạo và mọi người cho phép tôi thử chữa lần cuối cùng xem sao, may ra được chăng?

Có người nói:

- Đã chết được mấy ngày, còn nói chữa là thế nào?

Chàng đáp:

- Tôi đã nói là xin thử, còn nước còn tát. Còn thi hài đó còn thử xem! Tôi đã từng chữa cho con chó con gà mục xương sống lại, cứu cả một làng bệnh dịch qua khỏi. Thế nhưng, với bậc quyền quý thì tôi chưa dám cả quyết, nên mới nói là thử xem sao!

Nắp quan tài mở ra. Khuôn mặt xinh đẹp của công chúa đã trắng bệch, đôi môi nhợt mím chặt.

Chàng vội nhá miếng lá quý rồi cố cạy môi nàng nhét miếng lá đã nhá vào... Và lạ thay, chỉ lát sau, đôi môi động đậy. Tiếng thở nhè nhẹ, mắt nhấp nháy rồi mở to, tiếng kêu yếu ớt “mẹ ơi!” thoát ra từ miệng nàng. Mọi người xúm lại vực nàng dậy và bế ra khỏi quan tài lên nhà. Ông Tạo tìm cánh tay chàng kéo lên cung điện.

Công chúa sống lại, cả mường mừng vui.

Ông Tạo già sung sướng, gả cô gái ấy cho chàng và truyền ngôi Tạo cho chàng. Chàng sống trong giàu sang phú quý như một bậc Tạo và lại được cả dân mường tin yêu.

Chính cái lúc này làm cho chàng chạnh lòng nhớ tới người anh. Dù thế nào đi nữa cũng chỉ có hai người ruột thịt mà thôi. Chàng quyết đi tìm anh bằng được. Người ta chỉ cho chàng cái hốc cây mà người anh từng dùng làm nhà tránh mưa nắng.

Khi đến hốc cây, chàng nhìn thấy con dao cùn. Chàng thốt lên:

- Anh ơi! Nay anh ở nơi nào?

Có tiếng đáp:

- Plạt plạt! Plạt-lạt-lạt!

Nhìn lên cây chàng thấy một con chẫu chàng nhỏ gầy rạc, cẳng tay, cẳng chân cố bám lấy thân cây xù xì, mồm không ngớt “trượt, trượt”. Nhưng chẳng may chiếc lá thần không còn nữa. Người em nhìn chẫu chàng một lúc rồi quay về.

*************************************

Chẫu chàng còn gọi là Chàng hiu (danh pháp Rana macrodactyla) là một loài ếch trong họ Ranidae. Nó được tìm thấy ở Campuchia, Trung Quốc, Hồng Kông, Lào, Malaysia, Myanma, Thái Lan, và Việt Nam. Các môi trường sống tự nhiên của chúng là các khu rừng khô nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, rừng ẩm vùng đất thấp nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, các khu rừng vùng núi ẩm nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, đồng cỏ nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới vùng ngập nước hoặc lụt theo mùa, sông, đầm nước, hồ nước ngọt, vườn nông thôn, các khu rừng trước đây bị suy thoái nặng nề, ao, và đất có tưới tiêu.

Kiếm ăn ban đêm, xuất hiện ở các khu vực các kiểu rừng từ nguyên sinh đến thứ sinh ven suối hay khu vực đầm lầy, các vũng nước đọng trong rừng. Thức ăn là các loài côn trùng sống trong khu vực sinh sống. Đẻ trứng vào tháng mùa mưa hằng năm ở các con suối và nòng nọc phát triển ở đó.

Nguồn: Internet